Hãy tưởng tượng bạn đang ở một vùng quê yên bình, nơi mà mọi thứ đều tuân theo nhịp điệu của tự nhiên. Bạn gặp một người nông dân già, người đã dành cả đời mình để canh tác. Trong một buổi chiều tĩnh lặng, ngồi dưới bóng cây cổ thụ, ông kể cho bạn nghe về bí quyết của mình trong việc trồng trọt và thu hoạch.
Ông kể rằng, mỗi loại cây đề có chu kỳ sinh trưởng của nó. Giống như cây lúa, từ khi gieo hạt cho đến khi thu hoạch, mỗi giai đoạn đều quan trọng và cần sự chăm sóc khác nhau. Nếu bạn hiểu rõ chu kỳ này, bạn sẽ biết khi nào nên gieo hạt, khi nào nên tưới nước, và khi nào là thời điểm thu hoạch tốt nhất.
Điều này làm tôi liên tưởng đến thị trường tài chính, mà đặc biệt là thị trường crypto. Mỗi giai đoạn của một chu kỳ từ tăng trưởng, đỉnh điểm, suy giảm, cho đến phục hồi, đều có những dấu hiệu và cơ hội riêng.
Nếu bạn hiểu rõ các giai đoạn của một chu kỳ này, bạn có thể đưa ra quyết định đầu tư thông minh. Giống như giai đoạn nào là lúc gieo hạt và đâu là thời điểm tốt để có một mùa bội thu.
Chu kỳ thị trường là một chuỗi các giai đoạn mà một thị trường tài chính trải qua, phản ánh sự thay đổi trong giá cả, giao dịch, và tâm lý nhà đầu tư.
Như vậy, hiểu chu kỳ thị trường không chỉ giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận mà còn giúp họ quản lý rủi ro một cách hiệu quả. Tránh được những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi hoặc tham lam, những yếu tố thường xuyên dẫn đến các quyết định sai lầm.
Chu kỳ thị trường crypto
Một chu kỳ Bitcoin thường kéo dài trong 4 năm. Ngay sau sự kiện halving là thị trường tăng trưởng kéo dài 1 năm, sau đó là thị trường giảm giá kéo dài 1 năm trước khi dần dần phục hồi về mức đỉnh trước đó trong suốt 2 năm.
Chu kỳ thị trường crypto đặc trưng bởi sự biến động mạnh và tốc độ thay đổi nhanh chóng.
Khác với thị trường chứng khoán truyền thống, thị trường crypto ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô như GDP hay tỷ lệ lãi suất, nhưng lại rất nhạy cảm với các thông tin liên quan đến quy định pháp lý hay sự chấp nhận của công chúng (như việc công ty mua bitcoin, các quỹ đầu tư bitcoin hay gần nhất là việc phố wall chấp nhận bitcoin qua rất nhiều đơn phê duyệt Bitcoin ETF được gửi đến SEC).
Các giai đoạn chu kỳ crypto
Giai đoạn tích lũy
Giai đoạn tích lũy thường bắt đầu sau khi thị trường trải qua một đợt giảm giá lớn, dẫn đến giá cả ổn định ở mức thấp.
Đây là thời điểm mà sự hoảng loạn và bán tháo đã kết thúc, và thị trường bắt đầu tìm kiếm một mức giá cân bằng mới.
Trong giai đoạn này, tâm lý thị trường chủ yếu là không tin tưởng và không chắc chắn.
Nhiều nhà đầu tư vẫn còn e ngại và không sẵn lòng đầu tư trở lại sau một đợt giảm giá mạnh.
Biến động giá thấp và khối lượng giao dịch cũng không cao.
Đây là giai đoạn mà những nhà đầu tư dài hạn và những người có tầm nhìn xa thường mua vào với mức giá ở vùng trung bình thấp.
Giai đoạn tăng giá
Giai đoạn này thường bắt đầu sau khi giai đoạn tích lũy kết thúc, khi giá cả đã ổn định ở mức thấp và bắt đầu tăng lên.
Sự tăng giá này thường được thúc đẩy bởi những tin tức tích cực, sự phát triển của công nghệ, hoặc sự quan tâm tăng lên từ cộng đồng đầu tư.
Tâm lý thị trường chuyển sang lạc quan và hứng khởi, với biểu đồ giá tăng và khối lượng giao dịch tăng.
Sự lạc quan này thúc đẩy nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, tin rằng giá sẽ tiếp tục tăng.
Giá của các đồng tiền crypto tăng một cách ổn định và đôi khi là nhanh chóng.
Khối lượng giao dịch tăng lên, phản ánh sự quan tâm tăng cao từ phía nhà đầu tư.
Giai đoạn phân phối
Giai đoạn phân phối thường bắt đầu khi giá đạt đến mức cao và có dấu hiệu của sự ổn định hoặc giảm nhẹ.
Đây là thời điểm mà những nhà đầu tư lớn, những người đã mua vào sớm trong giai đoạn tích lũy, bắt đầu bán ra để thu lợi nhuận.
Tâm lý thị trường trong giai đoạn này phức tạp, với sự phân chia giữa lòng tham và sợ hãi.
Một số nhà đầu tư vẫn lạc quan và tiếp tục mua vào, trong khi những người khác bắt đầu lo lắng và chốt lời.
Biến động giá có thể thấp, giá bắt đầu không còn tăng mạnh như trước, nhưng khối lượng giao dịch cao do sự chuyển nhượng lớn từ những người bán ra.
Tại sao gọi đây là giai đoạn phân phối, vì đây là giai đoạn một số lượng ít người mua trong thị trường giá xuống bán cho một lượng lớn người mua trong thị trường giá lên, phân phối crypto đều ra.
Giai đoạn giảm giá
Giai đoạn giảm giá thường bắt đầu sau giai đoạn phân phối, khi những nhà đầu tư lớn và những người mua sớm bắt đầu bán ra.
Điều này gây áp lực giảm giá lên thị trường và dẫn đến một đợt giảm giá mạnh.
Tâm lý thị trường chuyển từ lạc quan sang lo lắng và hoảng loạn.
Sự sụt giảm giá nhanh chóng thường gây ra tâm lý bán tháo, khiến giá giảm càng thêm mạnh.
Biểu đồ giá có xu hướng giảm mạnh, và khối lượng giao dịch cao do sự bán tháo.
Đây là giai đoạn mà giá có thể giảm xuống mức thấp nhất, tạo ra cơ hội mua vào cho những nhà đầu tư can đảm.
Các yếu tố ảnh hưởng tốt đến chu kỳ thị trường crypto
Trong thị trường tài chính truyền thống, các yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ thị trường có phần khác hơn các yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ thị trường của crypto.
Nơi mà các yếu tố như tình hình chính trị, cung và cầu, chính sách tài chính và tiền tệ của ngân hàng trung ương, dữ liệu hiệu suất doanh nghiệp, yếu tố kinh tế vĩ mô, sự kiện và tin tức, cũng như công nghệ và đổi mới, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy chu kỳ thị trường.
Những yếu tố này tạo nên một môi trường đa chiều, nơi mà quyết định của các chính phủ và ngân hàng trung ương có thể tạo ra những biến động lớn.
Trái ngược với thị trường tài chính truyền thống, thị trường crypto là một lĩnh vực mới mẻ, với những động lực riêng biệt.
Trong thế giới crypto, các yếu tố như sự chấp nhận rộng rãi, sự phát triển của công nghệ blockchain, quy định pháp lý, và cả sự kiện halving của Bitcoin, đều có ảnh hưởng đáng kể đến chu kỳ thị trường.
Dưới đây là những yếu tố chính thúc đẩy chu kỳ thị trường crypto.
Sự kiện halving của Bitcoin
Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến chu kỳ bốn năm của Bitcoin là sự kiện “halving“.
Halving là sự kiện xảy ra khoảng mỗi bốn năm, nơi phần thưởng cho việc khai thác Bitcoin giảm một nửa. Điều này giảm tốc độ cung cấp mới của Bitcoin, tạo ra một hiệu ứng khan hiếm.
Lịch sử cho thấy rằng sau mỗi sự kiện halving, giá của Bitcoin thường tăng mạnh, do sự kỳ vọng về khan hiếm và tăng giá.
Do đó, nếu nhu cầu vẫn mạnh, nhìn chung nó sẽ đẩy giá Bitcoin lên cao hơn do thiếu nguồn cung thị trường. Trong lịch sử, việc giảm một nửa Bitcoin luôn tạo ra một giai đoạn tăng giá mới, khiến nó trở thành một tín hiệu tốt cần chú ý.
Tâm lý nhà đầu tư và kỳ vọng
Nhà đầu tư thường kỳ vọng rằng lịch sử sẽ lặp lại sau mỗi sự kiện halving, dẫn đến một chu kỳ tăng giá.
Sự kỳ vọng này có thể tạo ra một hiệu ứng tự thực hiện, nơi nhà đầu tư mua vào trước và sau sự kiện halving, thúc đẩy giá lên cao.
Ngoài kia bạn có thể nghe có rất nhiều “lời khuyên đầu tư” đại loại như, ngồi đó và đợi đi, khi nào qua halving rồi hãy mua bitcoin, vì nó sẽ tăng trưởng ngay sau đó.
Tôi thì không đánh giá đây là lời khuyên tốt hay là tồi. Tôi chỉ thắc mắc rằng, nếu tin sau halving, BTC tăng giá thì sao không mua từ ngay bây giờ? một thời gian khá dài trước khi halving xảy ra với vùng giá thấp hơn?
Ảnh hưởng các các sự kiện kinh tế và chính trị
Các sự kiện kinh tế và chính trị lớn cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ thị trường crypto.
Ví dụ: Các quyết định về chính sách tiền tệ, như in tiền và lãi suất thấp, có thể thúc đẩy đầu tư vào crypto. Lấy ví dụ như trong năm 2020, FED in rất nhiều tiền để cứu trợ covid-19 từ đó khiến các loại tài sản tăng giá trong đó có crypto và FED dừng in tiền vào năm 2022 cũng đánh dấu sự sập giá của thị trường crypto nói riêng và cả thị trường tài chính toàn cầu nói chung.
Sự chấp nhận của thị trường và sự phát triển công nghệ
Sự phát triển của công nghệ blockchain và sự chấp nhận rộng rãi hơn của crypto cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ thị trường.
Sự chấp nhận crypto rộng rãi là một động lực cực kỳ mạnh cho sự tăng giá của crypto.
Không có gì rõ ràng hơn sự chấp nhận crypto hơn các chính sách mở cửa cho sự phát triển crypto, những khoản đầu tư lớn từ các công ty vào bitcoin hay là các sản phẩm tài chính có liên quan đến crypto như các spot Bitcoin ETF được thông qua.
Chu kỳ tăng giá năm 2021 bắt đầu vào gần cuối năm 2020. Khi Michael Saylor đã thông báo mua rất nhiều BTC cho các nhân ông và công ty của ông sáng lập là MicroStrategy.
Đánh dấu cho sự chấp nhận của một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ mua Bitcoin và tuyên bố rằng nó sẽ giúp bảo vệ tài sản công ty chống lại việc mất giá khi tình trạng lạm phát đang tăng nhanh chóng.
Sự tương quan giữa Bitcoin và xu hướng của cả thị trường crypto
Điều đáng chú ý là, hầu như cả thị trường crypto đều có mối tương quan chặt chẽ với Bitcoin,vì BTC chiếm hơn 50% toàn bộ vốn hóa thị trường crypto (tại thời điểm viết bài). Nên xu hướng của Bitcoin sẽ là xu hướng chung cho tất cả các đồng coin còn lại.
Bitcoin như là đầu tàu, sẽ kéo theo hàng ngàn toa tàu phía sau là các đồng coin còn lại vào hành trình đi đến tương lai.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù lịch sử là một nguồn khá tốt để dự đoán tương lai, thị trường crypto vẫn còn rất mới và không thể dự đoán chính xác. Và liệu chúng ta có chắc chắn rằng liệu lúc nào lịch sử cũng lập lại? Không ai biết điều đó cả. Nên bạn cần chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau cho thị trường.
So sánh chu kỳ crypto với các chu kỳ của thị trường truyền thống
Chu kỳ thị trường crypto khác biệt rõ ràng so với thị trường chứng khoán truyền thống. Trong khi thị trường chứng khoán thường phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động của các doanh nghiệp thì thị trường crypto lại phụ thuộc nhiều vào sự chấp nhận của cộng đồng, tin tức liên quan đến công nghệ, và quy định pháp lý.
Sự biến động giá trong thị trường crypto thường mạnh mẽ và nhanh chóng hơn nhiều so với thị trường chứng khoán, làm tăng rủi ro nhưng cũng tạo cơ hội lớn cho nhà đầu tư có chiến lược và có sự hiểu biết sâu sắc.
Cả chu kỳ dot com và Bitcoin đều dựa trên việc tiếp nhận công nghệ mới. Máy tính cá nhân và Internet đối với dot com, và blockchain đối với Bitcoin. Điều này thay đổi cách xã hội tiếp nhận và sử dụng công nghệ mới.
Vậy là thời gian chu kỳ crypto thường ngắn hơn các thị trường còn lại?
Đúng, chu kỳ của thị trường crypto thường có đặc điểm và thời gian khác biệt so với các chu kỳ của thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng, và hàng hóa. Dưới đây là một số điểm khác biệt chính:
Thời gian chu kỳ
Chu kỳ của thị trường crypto thường ngắn hơn so với các thị trường truyền thống. Khi nhìn lại quá khứ thì chúng ta có thể nhận thấy được chu kỳ crypto thường kéo dài khoảng 4 năm, tương quan mạnh mẽ với chu kỳ halving của bitcoin.
Trong khi đó, các thị trường như chứng khoán, bất động sản, và vàng thường trải qua chu kỳ dài hơn, có thể kéo dài từ vài năm đến thập kỷ.
Độ biến động
Thị trường crypto nổi tiếng với độ biến động cao, với những biến động giá lớn trong thời gian ngắn.
Ngược lại, các thị trường truyền thống như chứng khoán và bất động sản thường ít biến động hơn và di chuyển theo xu hướng dài hạn hơn. Điều này cũng rất dễ hiểu, vì crypto như một loại tài sản mới, được ví như một đứa bé hiếu động đang lớn lên từng ngày, trong khi những loại tài sản truyền thống khác đã được ví những những người trưởng thành và có tuổi đời phát triển đã rất lâu và dần ổn định theo thời gian.
Ảnh hưởng của công nghệ và đổi mới
Thị trường crypto rất nhạy cảm với sự đổi mới công nghệ, đặc biệt là các tiến bộ trong blockchain. Sự ra mắt công nghệ mới có thể tạo biến động giá lớn.
Thị trường chứng khoán cũng nhạy cảm với sự đổi mới công nghệ, nhưng phản ứng thường ổn định và dài hạn hơn.
Công nghệ mới ảnh hưởng đến nhiều ngành, từ IT đến y tế và tài chính.
Thị trường vàng và hàng hóa thường ít nhạy cảm với công nghệ, giá phụ thuộc vào yếu tố kinh tế vĩ mô và cung cầu.
Thị trường bất động sản cũng ít phản ứng với công nghệ, giá chịu ảnh hưởng từ vị trí, cơ sở hạ tầng và chính sách đô thị.
Tác động và quy định và chính sách
Thị trường crypto còn non trẻ và đang phát triển, nên rất nhạy cảm với quy định và chính sách pháp lý.
Các thị trường truyền thống đã có quy định pháp lý rõ ràng và ổn định hơn, và thường ít bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chính sách ngắn hạn.
Tóm lại, chu kỳ của thị trường crypto thường ngắn hơn và biến động hơn so với các thị trường truyền thống. Điều này phản ánh bản chất mới mẻ, đổi mới nhanh chóng, và sự không chắc chắn cao của thị trường crypto.
Chiến lược đầu tư dựa trên chu kỳ thị trường
Mặc dù chu kỳ thị trường khá dễ để hiểu, nhưng tâm lý và cảm xúc của bạn khi trải qua nó thì thật sự không dễ để kiểm soát và hiểu được.
Đôi khi chúng ta mua khi giá cao và bán khi giá thấp, mặc dù điều này trái với logic thông thường nhưng số đông vẫn làm như thế trong chu kỳ.
Bằng cách hiểu từng giai đoạn của chu kỳ thị trường crypto, chúng ta có thể lập chiến lược đầu tư của mình để nhận được lợi nhuận tối ưu nhất.
Lý tưởng nhất là chiến lược mua tài sản crypto trong giai đoạn thị giảm giá và tích luỹ (thị trường gấu) và sau đó bán chúng trong giai đoạn phân phối (thị trường bò).
Bằng cách này, các nhà đầu tư có thể mua tài sản crypto ở mức giá trung bình ở vùng thấp và bán chúng ở mức giá trung bình ở vùng cao.
Tại sao tôi lại dùng từ mua ở vùng trung bình thấp chứ không phải là mua đáy bán đỉnh, vì không một ai có thể làm được việc đó, nếu ai đó có thể làm được thì đó chỉ là may mắn và họ sẽ không bao giờ có thể lập lại được nhiều lần sau đó.
Bạn có thể sử dụng phương pháp DCA để mua đều đều ở thị trường gấu và cũng bán đều đều ra ở thị trường giá lên.
Nhưng phương pháp hay nhất vẫn là bạn phải có một mục tiêu rõ ràng cho việc đầu tư crypto, và khi thị trường cho bạn cơ hội, thì bạn chợp lấy cơ hội đó và lấp đầy các mục tiêu của mình.
Kết luận
Crypto là một loại tài sản mới và cũng là loại tài sản có chu kỳ lặp lại ngắn nhất. Nhưng nó cũng tốn đến 4 năm để hoàn thành một chu kỳ.
Thời gian để bạn có thể bắt được trọn vẹn một chu kỳ crypto là 4 năm. Đó là một khoảng thời gian cần trải qua để có được quả ngọt. Nên việc đầu tư đòi hỏi bạn có sự kiên nhẫn và niềm tin vào giá trị cốt lõi của loại tài sản mà bạn đầu tư.
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ tới cộng đồng để mọi người cùng biết tới nhé. Cảm ơn mọi người đã xem bài viết. Chúc mọi người đầu tư thành công!
Đừng quên theo dõi các kênh cộng đồng của WOGO Capital để cập nhật tin tức sớm nhất nhé.
Hãy tham gia các nhóm công đồng của chúng tôi tại:
Website: wogocapital.com
Mail: wogo.crypto@gmail.com
Group: zalo.me/g/iehpeb921
Facebook: Fb.com/WOGOCapital
Telegram: t.me/WOGOCapital